Hệ thống tiêu chuẩn chung của Mỹ (HT.TTC) quy định chi tiết các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cần thiết mà hoc sinh cần hiểu và có thể làm đối với học sinh ở mỗi lứa tuổi, mỗi lớp từ mẫu giáo đến hết phổ thông trung học.
Bài viết này sẽ phỏng dịch và giới thiệu các tiêu chuẩn đối với trẻ trước khi vào lớp 1 (kindergaten grade, hay grade K). Có thể sẽ là cung cấp gợi ý nào đó cho các phụ huynh muốn chuẩn bị cho con vào lớp 1.
Mô tả
Các nội dung chính trên lớp cần tập trung vào 2 lĩnh vực: 1) biểu diễn và so sánh các giá trị số nguyên với tập hợp các thực thể (set of objects); 2) mô tả các hình dạng (shapes) và không gian (space).
(1) Biểu diễn và so sánh các giá trị số nguyên
Học sinh sử dụng các con số để biểu diễn số lượng và làm các bài tập về số lượng như: đếm số các vật thể trong một tập hợp, lấy ra các quả cam bằng số lượng cho trước, so sánh số lượng trong 2 hộp đựng các viên bi,...
Ngoài ra cũng được làm quen với việc gộp và tách 2 tập hợp như: gom số bóng từ 2 rổ vào một hoặc chia một hộp bút chì thành 2,... từ đó hình thành khái niệm các phép cộng, trừ. Ví dụ: 4 + 3 = 7 hay 8 - 5 = 3. Học sinh có thể được xem cách biểu diễn các phép toán cộng, trừ dưới dạng viết như trên. (Việc học sinh tự viết các phép toán được khuyến khích nhưng không bắt buộc).
Học sinh có thể lựa chọn, kết hợp và áp dụng các chiến lược phù hợp cho việc trả lời câu hỏi định lượng, bao gồm cả việc làm quen với số lượng các phần tử trong tập hợp, đếm và tự tạo các tập hợp với số lượng phần tử cho trước, đếm số lượng các phần tử trong khi gộp các tập hợp, hoặc đếm số lượng các phần tử còn lại sau khi đã loại bỏ một số phần tử.
(2) Tìm hiểu hình dạng và không gian
Học sinh học cách mô tả các khái niệm hình học cơ bản: hình dạng, phương hướng, các liên kết & quan hệ trong không gian (trên, dưới, phải trái, trong, ngoài,...) và làm quen với những từ vựng - tên gọi của các hình/khối: hình tròn, vuông, tam giác, hình chữ nhật, khối cầu, khối lập phương, hình nón,... nói chung là các khái niệm cơ sở hình học phẳng và hình học không gian.
Các hình khối hình học trên có thể được học sinh nhận biết ở các phương hướng/kích thước khác nhau. Từ đó có thể làm quen với các hình khối phức tạp hơn, ví dụ hình ngôi nhà có thể có tường hình chữ nhật, mái hình tam giác, cửa sổ hình tròn,... Tất cả được giới thiệu trong môi trường sống của trẻ em, với các quan hệ nhìn thấy được trong không gian.
Toán học - lứa tuổi mẫu giáo (ảnh sưu tầm) |
Các yêu cầu cụ thể
1. Số & số lượng phần tử
- Đọc tên các số nguyên và số lượng phần tử trong một tập hợp nhỏ
- Đếm và xác định số lượng các vật thể cụ thể (ví dụ: 7 viên bi)
- So sánh các số
2. Phép toán và tư duy đại số
- Hiểu phép cộng như thêm phần tử vào tập hợp (thêm một số viên bi vào hộp)
- Hiểu phép trừ như lấy bớt một số phần tử
3. Các số và phép toán cơ số 10
- Có thể làm việc với các số từ 11 -> 19
- Làm quen dần cách biểu diễn các số bằng ký hiệu thập phân
4. Làm quen với kích thước & so sánh
- Có thể mô tả các đặc tính đo được (dài, ngắn, cao, thấp, to nhỏ)
- Phân biệt các vật thể khác nhau và đếm theo từng loại
5. Hình học
- Xác định, nhận biết các hình khối
- Phân tích, tạo, lắp ghép hình khối
Thực hành
- Học cách cảm nhận vấn đề và tập giải quyết vấn đề
- Học cách suy luận về số lượng & khái niệm
- Học cách nhận xét và tranh luận về suy luận của người khác
- Bước đầu làm quen các mô hình toán học
- Học cách sử dụng các công cụ đã có một cách có tính toán
- Lưu ý đến tính chính xác
- Tìm tòi và khai thác các cấu trúc cơ bản
- Tìm hiểu các quy luật lặp lại trong quá trình suy luận
Lời bình
Rõ ràng môn toán học đối với lứa tuổi mẫu giáo đã không hề đơn giản. Đằng sau các trò chơi với các vật thể cụ thể như viên bi, bút chì, ngôi sao, mẩu gỗ,... là cả một hệ thống khoa học nhằm trang bị và hình thành cho trẻ một phương pháp tư duy toán học chuẩn mực. Không phải các bài toán khó làm đau đầu cả bố mẹ chúng mà một hệ thống được thiết kế tốt mới giúp trẻ phát triển năng lực và tiếp thu dễ dàng môn toán trong các lứa tuổi tiếp theo.