Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Bài tập và vấn đề

Khi đọc sách hoặc các tài liệu môn toán bằng tiếng Anh, người ta dùng problem (vấn đề) thay cho từ exercise (bài tập). Lúc đầu tôi cũng không để ý, cho rằng đấy chỉ đơn giản là cách dùng từ. Nhưng không, đằng sau đó là sự thay đổi triết lý giáo dục.

Họ muốn học sinh học cách giải quyết vấn đề, không phải là giải bài tập. Có những điểm khác biệt rất cơ bản giữa hai cách tiếp cận.

Nguồn gốc

Bài tập luôn được mô tả rõ ràng, hiểu rõ từ trước, có đáp án. Rất nhiều trong số đó là những bài đã in đi in lại trong sách hàng chục, nhiều chục năm trước. Khá cứng nhắc và hàn lâm.

Vấn đề đa dạng hơn. Nó có thể  là các vấn đề cũ nhưng được đặt trong điều kiện khác, công cụ khác. Vấn đề cũng có thể vừa mới xuất hiện, có thể chưa được mô tả rõ ràng, có thể trong điều kiện biến đổi và có thể chưa có lời giải.

Tư duy của học sinh

Để giải bài tập học sinh cần tìm ra hướng đi đúng, để giải quyết vấn đề học sinh cần nghiên cứu các giải pháp (solutions) khả thi và triển khai thực hiện. Có thể so sánh các lợi thế và hạn chế của các giải pháp, có thể áp dụng giải pháp chuẩn và cũng có thể phải tìm ra các giải pháp chưa từng có trước đó,...

Cách thức giải quyết vấn đề trước hết bắt đầu từ việc xác định chính xác vấn đề là gì? làm sao mô tả nó cho rõ ràng. Ngoài rara, quá trình giải quyết vấn đề khuyến khích phát triển một kỹ năng vô cùng quan trọng: kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm.

Hoạt động của người thày

Để giải bài tập thày cần biết lời giải, hướng dẫn hoặc chỉ ra cho học sinh cách giải/hiểu được lời giải. Để giải quyết vấn đề thày đóng vai trò trợ giúp, cùng với học sinh tìm ra giải pháp, cùng phân tích các giải pháp chưa đạt và quan trọng nhất là trợ giúp học trò vượt qua khó khăn trong việc xây dựng và thực thi giải pháp.

Thày cũng không nhất thiết phải biết lời giải, thay vào đó thày cần có kinh nghiệm và kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xác định phương hướng trong các điều kiện không đầy đủ dữ kiện,...

Phân loại học sinh

Ý tưởng giải quyết vấn đề sẽ dẫn đến việc các học sinh giỏi nên tập trung giải quyết các vấn đề lớn, vấn đề mới, không phải là giải các bài toán khó. Học sinh trung bình giải quyết các vấn đề mức trung bình. Kể cả yếu thì cũng có những vấn đề đơn giản để xử lý. Ai cũng có việc phù hợp.

Lấy ví dụ các kỹ sư lập trình: bạn nào chưa có kỹ năng có thể bắt đầu lập những chương trình đơn giản, ít màn hình. Bạn nào đã thành thạo có thể bắt tay phát triển những ứng dụng lớn hơn, có nhiều màn hình, nhiều biểu mẫu, nhiều thao tác dữ liệu,....

Có thể lý luận rằng 2 phương pháp cũng chẳng khác gì nhau. Đúng vậy, nếu tìm cách giải thích có tính bao biện thì phương pháp nào cũng được.

Điểm khác biệt lớn nhất là sau khi ra trường, các bạn trẻ ở các nước phát triển thường bắt tay vào giải quyết các vấn đề của xã hội, tạo ra các sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. Còn chúng ta, vẫn chủ yếu là làm bài tập.

Không phải ngẫu nhiên mà họ đổi từ exercise trước đây thành problem ngay từ trong sách giáo khoa lớp 1 và không chỉ là cách dùng từ.

Suggested App: Hàm số & Đồ thị (iOS)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét