Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

CHỦ ĐỀ “CON KHỈ”


Đầu thế kỷ 20, cả ở châu Âu lẫn các nước thuộc địa người ta cho học sinh học triết học từ tú tài, còn vào đại học thì khỏi nói rồi, triết học bao giờ cũng là một môn được coi trọng, và sinh viên cũng rất thích học triết.

Có một dạng chủ đề như thế này cho các cuộc thảo luận của học sinh tú tài lớp trên, hay các sinh viên đang học đại học:

“Có một con khỉ và một chiếc máy chữ. Nếu cho nó đánh máy thoải mái ngày này qua ngày khác, thì nó phải sống bao nhiêu năm để có thể có lúc đánh máy ra được tác phẩm “Hamlet” của đại văn hào Shakespeare?”.

Chủ đề này có thể biến đổi đi (ví dụ cho con khỉ sống với cái đàn piano và chờ nó chơi được tác phẩm “Xô-nát ánh trăng” của Bethoven chẳng hạn) mà không ảnh hưởng nhiều đến câu trả lời.

Phải nói là sinh viên thời đó rất thích những chủ đề “mở” như thế này, họ có thể trả lời và thể hiện mình rất nhiều, rất dài, rất hay...vì đây không phải đề bài về toán xác suất, nó liên quan đến hiểu biết của giới trẻ về văn học, lịch sử, triết học, thuyết tiến hóa, nhân sinh quan, thế giới quan...và cũng cả toán học nữa!

Giáo viên cũng chả có đáp án bất kỳ nào, họ cũng phải rất giỏi, cổ vũ và gợi mở cho sinh viên, cũng đồng thời qua phần trả lời của sinh viên mà đánh giá được năng lực và thiên hướng của từng người trong bọn họ đến đâu...

Cả trăm năm sau, cho đến ngày nay người ta vẫn có thể áp dụng cách đặt câu hỏi này trong giáo dục, và hơn nữa trong cuộc sống xã hội. Đề tài thì nhiều lắm! Tuy nhiên nay đã là thế kỷ 21 rồi, cũng có thể làm cho đề tài tranh luận khác trước đi, càng hay hơn thôi!

Đơn cử có thể lấy đề tài “lễ hội” chẳng hạn: “Có năm mươi ngàn chú khỉ sống ở dưới chân núi Ngũ Lĩnh, vậy chúng phải sống bao nhiêu năm để có một ngày đẹp trời, chúng kéo nhau tất cả lên đỉnh núi, mỗi con thắp một nén hương rồi lại xuống núi, trật tự chứ không chen lấn, dẫm đạp, cấu chí nhau chí chóe và không xả rác dọc đường?”

Hay là đề tài “Hoa anh đào Nhật Bản” nhỉ...
Xin đừng nghĩ đây là điều “báng bổ”, hãy thử trả lời cho hay, cho thuyết phục nhé!

By: Nam Nguyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét