Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Alan Turing: thiên tài bạc mệnh

Ngày 22/12 lẽ ra viết cái gì đó về bộ đội, nhưng tối qua xem bộ phim "The Imitation Game" nên lại quyết định viết về một trong những thiên tài toán học vĩ đại của thế kỷ 20, người được coi là cha đẻ của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo: Alan Turing (23/6/1912 - 07/6/1954).

Ai từng học về khoa học máy tính, đều biết đến khái niệm cơ bản "máy Turing" - mô hình đầu tiên đặt nền móng cho ngôn ngữ máy, cấu trúc máy tính hiện đại, thuật toán & giải thuật. Đó chính là một trong những phát minh của Alan Turing - nhà toán học thiên tài người Anh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết là trong thời gian chiến tranh thế giới thứ 2, Alan Turing, khi đó mới ngoài 20 tuổi đã lãnh đạo nhóm công tác đặc biệt của chính phủ Anh chuyên giải mã các điện tín quân sự của Đức quốc xã.

Nhóm của ông đã tìm ra phương pháp hóa giải hệ thống mật mã khét tiếng của quân đội phát xít: mật mã Enigma. Alan Turing cùng với các cộng sự của mình đã ứng dụng máy Turing để chế tạo ra máy giải mã Enigma (được gọi là Enigma machine).

Nhờ đó và nhờ những tính toán thống kê tuyệt vời củ Alan Turing để giữ bí mật việc giải mã, mà quân đồng minh nắm rõ rất nhiều những tin tức quan trọng của quân đội phát xít, trong khi phía Đức lại không hề biết rằng hệ thống mật mã của mình đã bị hoá giải. Sau này các nhà sử học đánh giá công việc của nhóm đã góp phần rút ngắn cuộc chiến từ 2-4 năm và cứu được 14 triệu sinh mạng.

Tuy nhiên, do tính chất tuyệt mật của công việc và tình thế chiến tranh lạnh hình thành sau thế chiến thứ 2, toàn bộ hoạt động của Alan Turing và các cộng sự (5 thành viên) được giữ bí mật. Chỉ rất ít người biết đến chiến công của họ trong hơn nữa thế kỷ tiếp theo.

Sau chiến tranh, Alan Turing tiếp tục làm nghiên cứu khoa học. Ông làm việc tại phòng thí nghiệm điện toán của Max Newman tại ĐHTH Manchester và tham gia chế tạo những chiếc máy điện toán của Manchester (được gọi là Manchester Computers), thuộc thế hệ những máy tính điện tử đầu tiên trên thế giới.

Cuộc đời của Alan Turing kết thúc trong bi kịch. Năm 1952 ông bị truy tố do có hành vi đồng tính, thời kỳ đó đây vẫn còn là hành vi phạm tội theo luật pháp Anh. Và ông phải chấp nhận chọn việc hóa trị giới tính bắt buộc để không bị ngồi tù.

Ngày 7/6/1954, Alan Turing qua đời do bị ngộ độc xyanua; có thể đó là hệ quả của những kỹ thuật hóa trị còn sơ khai thời đó; cũng có thể do ông tự tử. Nguyên nhân đến nay chưa được làm rõ. Ông qua đời khi vẫn đang phải mang án vì một vấn đề mà ngày nay đã không còn là tội lỗi.

Đến tận năm 2009, Thủ tướng Gordon Brown mới chính thức xin lỗi (thay mặt chính phủ Anh), năm 2013 nữ hoàng Elizabeth II ra sắc lệnh xóa án và vinh danh ông. Từ đó những đóng góp của Alan Turing cho khoa học và cho nhân loại trong chiến tranh thế giới thứ 2 mới được biết đến rộng rãi.

Một bộ óc vĩ đại, một số phận bi thảm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét