Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

CHỌN TRƯỜNG?

Khi con gái đang học năm cuối phổ thông, tôi và cháu đã có một cuộc thảo luận, nên chọn trường đại học, theo tiêu chí nào?

Đầu tiên, hai cha con cùng thống nhất, trường tốt và trường phù hợp là hai chuyện khác nhau. Trường tốt được đánh giá theo tiêu chí chung, còn trường phù hợp là theo tiêu chí của riêng mình.
Tôi kể cho cháu nghe câu chuyện của bản thân. Thời phổ thông, tôi học trường chuyên toán ĐHTH Hà Nội. Ai cũng nghĩ, vào được trường chuyên là tốt. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, nó không tốt cho mọi người.

Với các học sinh nằm ở tốp dưới, thực sự chẳng có gì tốt đẹp. Mặc dù trước đó họ cũng là những học sinh giỏi ở các trường phổ thông khác, nhưng đây là trường chuyên, là nơi hội tụ của những học sinh giỏi nhất miền Bắc khi đó.

Chương trình học đã khó, mà các thầy trường chuyên luôn có xu hướng nâng độ khó lên theo khả năng tiếp thu của các học sinh tốp đầu, nên ngày càng khó hơn. Vì thế, học sinh tốp dưới, dù rất cố gắng, nhưng ngày càng đuối sức: trên lớp không hiểu hết bài giảng, về nhà không làm hết bài tập. Một số bạn chỉ trụ được một năm, hai năm rồi bị trả về trường cũ.

Kết quả với các học sinh ở tốp dưới là:

1. Không tiếp thu được nhiều kiến thức, vì không hiểu bài.
2. Không có sự tôn trọng của bạn bè và cái định kiến này sẽ đi theo suốt đời,
3. Mất đi sự tự tin vào năng lực bản thân.

Tất nhiên, những học sinh xuất sắc, nằm trong tốp đầu thì có tất cả:

1. Tiếp thu được nhiều kiến thức.
2. Được thầy cô quý mến, bạn bè tôn trọng.
3. Có được sự tự tin vào năng lực bản thân.

Một số học sinh trong số này còn đạt giải cao trong các kỳ thi toán Quốc gia, Quốc tế. Những vòng nguyệt quế của họ đã tạo ra vừng hào quang rực rỡ cho các trường chuyên, khiến cho rất nhiều phụ huynh và học sinh coi trường chuyên là một đích đến mơ ước.

Phía sau vừng hào quang đó, không ai nhớ tới khoảng 30% học sinh trường chuyên nằm ở tốp dưới. Mấy năm học ở đây, đối với họ, là một sự đầy ải. Kiến thức chẳng thu được bao nhiêu, bạn bè không ai kính trọng và họ cũng mất đi một thứ rất quý giá mà họ có được khi còn là học sinh giỏi trong trường cũ: sự tự tin.

Con gái tin những gì cha cháu đã trải nghiệm và hai cha con đưa ra định hướng chọn trường như sau:

1. Trường không quá cao với khả năng của mình, để nếu chăm chỉ học tập thì sẽ vào được tốp đầu.
2. Trường không quá thấp, để muốn lọt vào tốp đầu thì cũng phải học tập chăm chỉ với một quyết tâm rất cao.

Con gái hỏi:

- Làm thế nào để chọn được đúng trường như thế này?
- Con hãy chuẩn bị nghiêm túc cho kỳ thi SAT. Điểm SAT sẽ giúp con định hướng. Con hãy so sánh điểm thi của mình với điểm đầu vào của các trường trong danh sách lựa chọn, rồi ra quyết định.

Theo tôi, nếu điểm thi của học sinh chỉ nằm ở nhóm 30% thấp nhất, thì đó là trường cao hơn khả năng của mình, dù có vào được chưa chắc đã học được; nếu điểm thi nằm trong nhóm 10% cao nhất thì có thể là trường thấp hơn khả năng, ở đó sẽ thiếu sự cạnh tranh để vươn lên.

Tôi tin rằng, trường phù hợp là nơi, mà điểm thi của học sinh nằm trong nhóm 20% cao nhất. Sau này, nếu các cháu tiếp tục học chăm chỉ với quyết tâm cao, chúng sẽ duy trì được vị trí trong Top 20%.

Mất hai ngày thảo luận, hai cha con mới thống nhất xong tiêu chí chọn trường.

Sau đó, tôi để cháu được tự do chọn trường theo sở thích của mình và các yếu tố phụ khác ngoài điểm SAT, nhưng tuân thủ tiêu chí đã thỏa thuận.

By: Hoàng Minh Châu

*****
Năm 2012, cháu đã tốt nghiệp khoa quản trị kinh doanh, Boston University. Hiện cháu đang học tiếp năm thứ hai Khoa Luật, cũng trong trường này. Kết quả học tập thì gần giống với những gì chúng tôi chờ đợi.

Boston University không phải là đại học tốt nhất nước Mỹ. Nó cũng không quá nổi tiếng như Harvard để khoe khoang. Nhưng nó là một đại học phù hợp với khả năng và nguyện vọng của cháu.

*****
PS: Rất tiếc là kinh nghiệm này rất khó vận dụng ở Việt Nam. Hi vọng nó sẽ có giá trị tham khảo cho các gia đình có kế hoạch cho con em du học.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét