Trong môn cờ vua, Việt Nam có nhiều nhà vô địch thế giới các lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Nhưng đến tuổi trưởng thành, những người xuất sắc nhất, cũng phải rất chật vật mới chen chân được vào Top 100 các đại kiện tướng thế giới.
Trong môn toán, năm nào chúng ta cũng có học sinh đoạt giải nhất kỳ thi toán quốc tế. Nhưng đến tuổi trưởng thành, những người xuất sắc nhất, cũng khó mà chen chân vào Top 100 các nhà toán học thế giới.
Tại sao vậy?
Tại sao, ở lứa tuổi học sinh, thành tích của chúng ta tốt hơn, còn ở lứa tuổi trưởng thành, thành tích của chúng ta kém hơn.
Theo ý kiến cá nhân tôi, ngành giáo dục đã đặt sai mục tiêu.
Thay vì đặt mục tiêu đào tạo các em, có năng khiếu cờ vua, thành những siêu đại kiện tướng quốc tế khi đến tuổi trưởng thành, thì chúng ta lại đặt mục tiêu, các em phải sớm đoạt những danh hiệu quốc gia và quốc tế ngay lứa tuổi thiếu niên.
Thay vì đặt mục tiêu đào tạo các em, có năng khiếu toán lý hoá, thành những nhà khoa học lỗi lạc khi đến tuổi trưởng thành, thì chúng ta lại đặt mục tiêu, các em phải đoạt giải cao trong kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế, lứa tuổi học sinh.
Mục tiêu dài ngắn khác nhau, tất nhiên, dẫn đến phương pháp đào tạo khác nhau.
Nếu mục tiêu ngắn hạn, là đạt giải cao trong các kỳ thi, thì phương pháp đào tạo chính là luyện thi, luyện thi và luyện thi. Các em được luyện thi nhiều hơn, vì thế kết quả tốt hơn cũng là điều dễ hiểu.
Với mục tiêu dài hạn, là đào tạo các em trở thành những con người xuất sắc ở lứa tuổi trưởng thành, thì phương pháp đào tạo phải toàn diện hơn rất nhiều. Các em cần phải được phát triển toàn diện, cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ và tình cảm,... một cách khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi và không thể hấp tấp vội vàng.
Không ai bắt một đứa trẻ gánh nặng, vì biết xương của nó còn non, nó sẽ bị còi xương. Nhưng chúng ta sẵn lòng bắt những đứa trẻ phải động não quá sớm, với cường độ quá cao, trong các lớp luyện thi, mà không sợ chúng sẽ bị còi não. Chúng ta quên mất, não của đứa trẻ cũng còn non như xương của chúng, cũng cần được lớn lên, cần được hoàn thiện, trước khi có thể chịu đựng những gánh nặng thực sự.
Nhưng đào tạo toàn diện thì mất nhiều thời gian. Và quan trọng nhất là thành quả chỉ đến trong tương lai, vì thế các trường không có thành tích để báo cáo.
Không chỉ nhà trường mà cả các phụ huynh cũng mắc bệnh thành tích: sau này con cái thành cái gì không biết, nhưng đi học là phải có thành tích. Thầy giáo chuyên toán Trần Nam Dũng, có tâm sự với tôi, sức ép của các phụ huynh là rất lớn. Muốn dạy các em bài bản hơn, toàn diện hơn cũng không được.
Các phụ huynh quan niệm, thầy giỏi là phải có kết quả ngay. Mà muốn có kết quả ngay thì chỉ có mỗi một cách là luyện thi. Và với cường độ luyện thi quá cao như ở Việt Nam, não của các em đã bị ép cho "chín nẫu" ở ngay lứa tuổi học sinh. Nên chẳng có gì ngạc nhiên, sau này, chúng không thể "chín" hơn?
Dân gian có thành ngữ "Trồng cây, Trồng người", với ngụ ý, hai công việc này có nhiều điểm tương đồng. Tôi nghĩ, đợi ngành giáo dục đổi mới chắc hơi lâu. Có lẽ, lựa chọn trồng "đu đủ" hay trồng "thốt nốt" nên là quyết định của mỗi gia đình.
By: Hoàng Minh Châu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét